Khách sạn nổi bật
Vinpearl Phu Quoc Resort
Giá từ 1.100.000 đ
Khách Sạn May De Ville Legend
Giá từ 135.000 đ
Khách Sạn Medallion
Giá từ 1.076.000 đ
Về xứ Tây Đô, nhớ ghé thăm di sản văn hóa phi vật thể hơn 200 tuổi - Làng bánh tráng Thuận Hưng
23/08/2024 16:01
Làng bánh tráng Thuận Hưng có tuổi đời hơn trăm năm là di sản văn hóa phi vật thể danh tiếng của xứ Tây Đô. Làng nghề là nơi thu hút đông đảo du khách yêu văn hóa bản địa ghé thăm tìm hiểu quy trình tạo ra đặc sản trứ danh và trải nghiệm tự tay hoàn thiện một chiếc bánh tráng hấp dẫn.
1. Đôi nét về làng bánh tráng Thuận Hưng – Làng nghề có tuổi đời hơn trăm năm
Làng bánh tráng Thuận Hưng nằm ở khu vực Tân Phú, thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đây là làng nghề đã có tuổi đời hơn 200 năm với 500 lò bánh ngày đêm rực lửa làm ra các sản phẩm hấp dẫn cung cấp cho thị trường.
Làm bánh tráng ở Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống, hình thành từ giữa thế kỷ 19 và được trao truyền qua nhiều thế hệ. Người làm bánh tráng ở vùng này tập trung nhiều nhất tại khu vực Tân An và Tân Phú, với 68 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống và 3 hộ đầu tư máy móc sản xuất.
Sau hơn 200 năm tồn tại và phát triển, làng bánh tráng Thuận Hưng ở Cần Thơ trải qua nhiều thăng trầm. Từ những hộ làm bánh nhỏ lẻ ban đầu, bánh tráng Thuận Hưng bắt đầu được thị trường ưa chuộng và dần dần nhu cầu của du khách tăng lên, thu hút các hộ dân lân cận bắt đầu gia nhập vào chuỗi cung ứng.
Tại vùng này, cha mẹ truyền lại "bí kíp" làm bánh cho con, còn những người hàng xóm thì chỉ nghề cho nhau. Lò nhà nào cũng đỏ lửa, những vỉ bánh tráng phơi tít tắp dọc khắp các con đường tạo nên khung cảnh làng nghề nhộn nhịp, tấp nập.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con làng nghề hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ, vào ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Lãnh đạo TP. Cần Thơ trao quyết định công nhận Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hóa phi vật thể.
2. Quy trình làm bánh tráng của người dân Thuận Hưng
Làng bánh tráng Thuận Hưng sản xuất nhiều loại và mỗi loại đều có hương vị riêng mà không nơi nào có được. Đặc trưng bánh tráng vùng này là dai ngon, có hương gạo thơm và không bị bở.
Để làm ra một chiếc bánh tráng đòi hỏi nhiều quy trình cầu kỳ, tốn nhiều công sức. Những chiếc bánh giống như một sản phẩm sáng tạo cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và người dân chính là các nghệ nhân “thổi hồn” để bánh ra lò hoàn chỉnh, đẹp mắt.
- Bước đầu, người làm cần điều chính lượng bột sao cho phù hợp, thường phải đong đếm bằng gáo và mỗi gáo bột tương ứng với một chiếc bánh. Sau khi xay, bột gạo được đổ lên tấm mùng căng trên nồi. Đổ bột từ chảo xuống mặt nồi hấp rồi dùng phần đáy bằng phẳng nhanh tay xoa khoảng ba vòng để dàn đều bột. Nếu không nhanh tay, làm chậm, bánh sẽ bị dồn cục, bột chỗ mỏng chỗ dày, khi phơi bánh dễ bị nứt, vỡ.
- Tiếp đó là khâu tráng bánh vô cùng công khu. Từng muôi bột được đổ ra và xoa đều lên một tấm vải màn căng trên nồi nước đun liu riu. Người dân Thuận Hưng sử dụng bếp đun trấu để làm bánh tráng và dùng một chiếc vung được làm từ lá dừa úp xuống trong khoảng 10 giây để bánh chín đều. Bí quyết để tráng bánh ngon, mỏng và không bị nát là cần phải đảm bảo lửa nhỏ và kỹ thuật tráng bánh đều, nhanh tay.
Từng muôi bột được đổ ra và xoa đều lên một tấm vải màn căng trên nồi nước đun nhỏ lửa.
- Khâu lấy bánh cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tráng và lấy bánh. Bánh sau khi tráng sẽ mỏng và ướt nên rất dễ bị rách. Do vậy, người lấy bánh cần khéo léo, nhẹ nhàng với một tay nhấc bánh khỏi mặt nồi hấp bằng dụng cụ chuyên dụng là một chiếc cán bọc khăn và một tay nâng bánh đặt vào phên.
- Công đoạn phơi bánh là lúc cần sự ủng hộ của thời tiết. Thông thường, người trong làng sẽ xem thời tiết mưa, nắng để sắp xếp phơi bánh kịp thời. Đồng thời, cần phơi bánh làm sao để không bị cong vênh, giữ được nguyên vẹn chiếc bánh. Nếu phơi bánh đúng ngày trời nắng thì sau khoảng 30 phút bánh sẽ khô, còn nếu phơi quá giờ, bánh sẽ dễ bị vỡ. Bánh đủ độ khô sẽ được lấy ra và sắp lại theo từng phần.
Nếu phơi đúng ngày trời nắng đẹp thì sau khoảng 30 phút bánh sẽ khô. Ảnh: Công an Nhân dân
Du lịch Cần Thơ vào thời điểm làng bánh tráng Thuận Hưng phơi bánh, du khách khi bước chân vào cổng làng sẽ cảm nhận được hương thơm đặc trưng của mùi khói và bột dừa. Đặc biệt, khung cảnh những phên bánh tráng được phơi đều thẳng tắp khắp các con đường chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ, cảm thán đấy.
3. Các sản phẩm hấp dẫn của làng bánh tráng Thuận Hưng
Sau hành trình tham quan làng bánh tráng Thuận Hưng, bạn có thể tìm hiểu các sản phẩm đặc sản hấp dẫn để lựa chọn mua về làm quà cho người thân. Hiện người dân đang sản xuất 6 loại: bánh tráng nhúng (bánh lạt), bánh tráng nem, bánh tráng ớt, bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt và bánh tráng ruốc. Mỗi loại sẽ có nhiều kích cỡ.
Các sản phẩm tiểu biểu của làng bánh tráng Thuận Hưng được du khách ưa chuộng có thể kể đến như bánh mặn, bánh lạt, bánh nem và bánh dừa. Trong đó, bánh lạt là loại bánh chuyên dùng để nhúng nước và cuốn với cá, rau củ chấm cùng nước mắm chua ngọt. Bánh mặn là loại có nhiều muối, dẻo và bảo quản được lâu hơn so với bánh lạt. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước cốt dừa và mè. Còn bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ hơn.
Hiện nay, bạn dễ dàng tìm mua bánh tráng Thuận Hưng ở các khu chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị hoặc đặt mua trực tiếp tại các lò bánh tráng Thuận Hưng. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, bánh tráng trứ danh của xứ Tây Đô còn được xuất khẩu sang Campuchia.
Vi vu thủ phủ miền Tây, đừng bỏ lỡ trải nghiệm ghé thăm làng bánh tráng Thuận Hưng – làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 200 năm để tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền qua bao thế hệ tại sứ Tây Đô bạn nhé.
Theo DulichVietNam